Tài chính Vi mô Việt Nam: Thực trạng và Khuyến nghị Chính sách
Hình thành từ những năm thập niên 80, hoạt động tài chính vi mô tại Việt Nam đã có nhiều đóng góp tích cực, là một công cụ hữu hiệu tạo cơ hội cho người nghèo/người có thu nhập thấp tiếp cận dịch vụ tài chính. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu và đóng góp cho công cuộc xóa đói giảm nghèo của đất nước, các tổ chức tài chính vi mô (TCTCVM), các chương trình, dự án vẫn đang đối diện với nhiều khó khăn/ thách thức, đặc biệt đối với mục tiêu phát triển bền vững ngành TCVM nói chung và bền vững thể chế cho từng tổ chức nói riêng.
Trên thực tế, mặc dù hệ thống pháp lý, các cơ chế, chính sách ngày càng hoàn thiện đã tạo cơ sở, tiền đề, hành lang cho các TCTCVM hoạt động hướng tới các chuẩn mực tốt hơn, nhưng vẫn còn những “khoảng trống” pháp lý chưa thực sự có tính khả thi cao, phù hợp với thực tiễn. Điều này dẫn đến số lượng TCTCVM được cấp Giấy phép hoạt động theo khuôn khổ pháp lý còn hạn chế, một số quy định liên quan đến hoạt động của các TCTCVM chưa thực sự phù hợp đã khiến các TCTCVM chưa có được một “môi trường” tốt để hoạt động, phần nào cản trở khả năng thu hút nguồn vốn đầu tư vào lĩnh vực TCVM, kéo dài thời gian tiến tới bền vững hoạt động, bền vững tài chính và bền vững thể chế của các TCTCVM. Ngoài ra, việc chậm triển khai “Đề án xây dựng và phát triển hệ thống TCVM tại Việt Nam đến năm 2020” ban hành theo Quyết định số 2195/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ khiến cho hệ thống các TCTCVM chưa có được những sự hỗ trợ cần thiết để phát triển. Bên cạnh đó, tính liên kết trong và ngoài ngành của các TCTCVM Việt Nam còn lỏng lẻo, chưa có sự bền chặt và sâu rộng; sự chủ động, cách thức mở rộng sản phẩm mang tính bền vững và khả năng tự ứng phó trước những thay đổi của môi trường hoạt động của bản thân các TCTCVM còn thấp cũng là một trong những nguyên nhân “kìm hãm” quá trình phát triển của hệ thống các TCTCVM thời gian qua.
Từ thực tế trên, Đề tài nghiên cứu Tài chính vi mô 2014 với chủ đề “Tài chính vi mô tại Việt Nam: Thực trạng và khuyến nghị chính sách” thực hiện phân tích hệ thống cơ chế, chính sách liên quan đến hoạt động của các TCTCVM, đánh giá những bất cập có tính nội tại của hệ thống các tổ chức có hoạt động TCVM để làm cơ sở đề xuất, kiến nghị chính sách quan trọng tạo động lực cho hoạt động của các TCTCVM trong thời gian tới.
Với mục tiêu tạo nên những chuyển biến mới, tích cực cho các TCTCVM chính thức và bán chính thức phát triển an toàn, ổn định và bền vững trong giai đoạn tới, Đề tài nghiên cứu TCVM 2014 kỳ vọng có thể tạo ra một bức tranh tổng thể, phản ánh thực trạng môi trường chính môi trường hoạt động, hệ thống cơ chế chính sách hiện nay đối với các tổ chức tài chính vi mô, từ đó gợi mở những bước đi đột phá, hành động thiết thực cải thiện cơ chế chính sách và sự quan tâm thích đáng của Chính quyền địa phương các cấp, các tổ chức chính trị xã hội và các bên liên quan nhằm hỗ trợ hệ thống các tổ chức tài chính vi mô hoạt động hiệu quả, phát triển bền vững với mục tiêu hướng tới người nghèo/ người thu nhập thấp – là những đối tượng hưởng lợi sau cùng từ kết quả cải thiện môi trường hoạt động tài chính vi mô tại Việt Nam.
Nhóm Công tác Tài chính vi mô Việt Nam (VMFWG) xin trân trọng giới thiệu Đề tài nghiên cứu này đến quý độc giả. Chúng tôi mong nhận được những ý kiến đóng góp xây dựng và ý tưởng để cải thiện các nghiên cứu tiếp theo.
Xin vui lòng tải Báo cáo tại đây