Làm gì để xóa nghèo ở Việt Nam?
Làm gì để xóa nghèo ở Việt Nam?
Vài tháng trước, tôi có chuyến đi Lào Cai – một khu vực có nhiều dân tộc thiểu số sinh sống ở miền núi phía Bắc Việt Nam- để giám sát một cuộc khảo sát thí điểm. Tôi đã tình cờ gặp một người đàn ông lớn tuổi – một người điển hình trong số rất nhiều người mà chúng tôi đã gặp – đó là một người nông dân chỉ vừa đủ sống, có trình độ học vấn tối thiểu chỉ biết nói tiếng dân tộc và hiếm khi ra khỏi bản làng.
Người dân tộc thiểu số chiếm 15% dân số của Việt Nam nhưng chiếm tới 70% nhóm đối tượng cực nghèo (được đo lường theo chuẩn cực nghèo quốc gia). Trong suốt hai thập kỷ tăng trưởng nhanh của Việt Nam, người dân tộc thiểu số ở quốc gia này đã có mức sống được cải thiện lên một cách toàn diện, song thành quả được hưởng của nhóm đối tượng này còn kém xa so với dân tộc chiếm đa số là người Kinh.
Tại sao nghèo trong nhóm người dân tộc thiểu số lại dai dẳng như vậy? Đây là chủ đề của nhiều nghiên cứu, bao gồm nghiên cứu về phát triển và dân tộc thiểu số ở Việt Nam năm 2009 hay một chương trong Báo cáo Đánh giá Nghèo Việt Nam được chúng tôi thực hiện gần đây. Đây cũng là một mảng trong nghiên cứu phân tích mà nhóm của tôi hiện đang theo đuổi.
Tôi đã đi sâu thêm để xem thực trạng của các dân tộc thiểu số ở Việt Nam tương đồng như thế nào với thực trạng xảy ra đối với nhóm người bản địa ở một xã hội khác, tại Mê-hi-cô, nơi mà tôi đã sống một năm khi tôi làm luận văn. Tại cả hai quốc gia, các nhóm đối tượng này đều rất đa dạng, chiếm tỷ trọng như nhau trong tổng dân số của quốc gia đó và đều phải đối mặt với những thách thức tương tự như nhau. Thực ra, nghiên cứu so sánh toàn cầu tốt nhất (do Gillette Hall và Harry Patrinos thực hiện) và kết quả mà tôi đã xem xét về vấn đề này đều phát hiện ra những đặc điểm chung đáng kinh ngạc của các nhóm dân tộc thiểu số/bản địa trên khắp thế giới.
Danh sách tôi đưa ra về các yếu tố tương quan là nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ nghèo cao của người dân tộc thiểu số ở Việt Nam bao gồm:
- Bị cách biệt về địa lý và hạn chế trong tiếp cận thị trường,
- Bị cô lập về mặt xã hội, yếu tố văn hóa và ngôn ngữ,
- Hạn chế trong tiếp cận đất đai có chất lượng,
- Tỷ lệ di cư khỏi nơi sinh sống thấp, và
- Trình độ học vấn thấp.
Các yếu tố tương tự cũng sẽ thấy tại các nhóm người bản địa tại nhiều quốc gia khác.
Tôi thấy lạc quan vì ít nhất mức độ quan trọng của một số nguyên nhân cơ bản dẫn đến tình trang nghèo đói của người dân tộc thiểu số đang ngày càng giảm đi. Các thế hệ trẻ em dân tộc thiểu số gần đây đã có trình độ học vấn tăng lên. Điều này có nghĩa là học tiếng Việt càng nhiều sẽ tạo cho họ khả năng kết nối thông qua thị trường và di cư trong tiến trình thịnh vượng diễn ra trên bình diện rộng hơn của quốc gia.
Tôi đã nhìn thấy những dấu hiệu của hiện tượng này trong chuyến đi Lao Cai. Mặc dù người đàn ông lớn tuổi mà tôi đã mô tả ở trên có rất ít mối liên hệ với bên ngoài bản làng của mình, song các con ông đang ở độ tuổi 20 lại nói rất sõi tiếng Việt và đều đã đi làm ở xa. Tôi dự đoán rằng nếu sự chuyển đổi thế hệ này vẫn tiếp diễn và mạng lưới cho các nhóm dân tộc thiểu số được mở rộng, chúng ta sẽ chứng kiến ngày càng nhiều người rời bỏ đồng ruộng để tìm kiếm cơ hội ở nơi khác.
Hai tuần trước, cùng với nhóm của mình, tôi đã đến bốn trường đại học ở Việt Nam để trình bày Báo cáo Đánh giá Nghèo Việt Nam. Các cuộc nói chuyện của chúng tôi đã tạo ra những thảo luận sống động và chúng tôi đã tổ chức lấy ý kiến của giảng viên và sinh viên tham gia thông qua tin nhắn điện thoại (SMS) về quan điểm của họ về cách tốt nhất để giảm nghèo đói cho nhóm dân tộc thiểu số. Đồng nghiệp của tôi, Nguyễn Thị Ngọc đã chạy kết quả lấy ý kiến trên máy tính của mình bằng một phần mềm nguồn mở (FrontlineSMS). Câu trả lời phổ biến nhất đó là nâng cao tiếp cận thị trường và cung cấp giáo dục miễn phí, và có rất nhiều người lại đưa ra câu trả lời “khác” với cách thức do họ tự đề xuất.
Khi nghĩ về nghèo đói của người dân tộc thiểu số/bản địa ở Việt Nam hoặc ở quốc gia của mình, bạn sẽ trả lời câu hỏi trưng cầu ý kiến này như thế nào? Vui lòng chia sẻ ý kiến của bạn với chúng tôi trong phần bình luận.
GABRIEL DEMOMBYNES – WB