1. Giới thiệu chung về Quỹ VietED
Quỹ hỗ trợ hộ gia đình thu nhập thấp phát triển kinh tế (gọi tắt VietED Foundation) là một tổ chức xã hội từ thiện được thành lập ngày 28/04/2011 theo quyết định số 977/QĐ-BNV của Bộ nội vụ, hoạt động theo Nghị định số 148/2007/NĐ-CP của Chính phủ ngày 25/09/2007 và nay là Nghị định số 30/2012/NĐ-CP.
Quỹ VietED được hình thành từ nguồn vốn đóng góp ban đầu của các sáng lập viên và tự tạo vốn trên cơ sở các hoạt động dịch vụ, vận động quyên góp, tiếp nhận tài trợ, các khoản đóng góp hoàn toàn tự nguyện của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước.
Quỹ VietED hoạt động không vì lợi nhuận, nhằm mục đích giảm thiểu rủi ro, cải thiện, nâng cao điều kiện sống và kỹ năng kinh doanh cho các hộ gia đình, đặc biệt hướng đến các hộ gia đình nghèo hoặc gặp nhiều khó khăn, rủi ro trong phát triển kinh tế tại các vùng nông thôn, miền núi, vùng đặc biệt khó khan.
2. Quá trình hình thành và phát triển
Quỹ VietED được thành lập từ năm 2011, tiền thân là nhóm chuyên gia “tài chính vi mô” và tư vấn phát triển cộng đồng. Chuyên triển khai các dự án/chương trình “tài chính vi mô”, dự án hỗ trợ phát triển cộng đồng của các tổ chức phi chính phủ quốc tế, các dự án thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, mạng lưới tài chính vi mô Việt Nam.
Trong quá trình triển khai các dự án, hoạt động hỗ trợ phát triển cộng đồng và xoá đói giảm nghèo, nhận thấy sự đòi hỏi cần một tổ chức chuyên nghiệp, có tư cách pháp nhân, đồng thời để có thể huy động tối đa nguồn lực của mình cũng như sự hỗ trợ từ bên ngoài, nhóm chuyên gia chúng tôi đã xin thành lập Quỹ hỗ trợ hộ gia đình thu nhập thấp phát triển kinh tế vào tháng 4/2011.
Kể từ khi thành lập năm 2011 đến nay, với sự nỗ lực không ngừng của đội ngũ cán bộ nhân viên, sự ủng hộ của các đối tác, chúng tôi đã và đang trở thành một trong những đơn vị có uy tín và sáng tạo trong hoạt động “tài chính vi mô” tại Việt Nam. Ngoài việc cung cấp dịch vụ chất lượng tốt đến khách hàng nghèo, Quỹ VietED còn tư vấn, tập huấn nâng cao năng lực cho các tổ chức thực hành tài chính vi mô khác nâng cao chất lượng, dịch vụ một cách bền vững và chuyên nghiệp hơn.
3. Định hướng phát triển
Tầm nhìn: “VietED hoạt động vì một xã hội Việt Nam không còn người nghèo.”
Sứ mệnh: “VietED đạt được tầm nhìn của mình bằng cách cải thiện các cơ hội sinh kế, giảm thiểu rủi ro cho các hộ gia đình thu nhập thấp và doanh nghiệp vi mô thông qua dịch vụ tài chính phù hợp, hiệu quả và sử dụng công nghệ tiên tiến nhất”
Văn hóa tổ chức: Quỹ VietED luôn coi trọng nhân viên và khách hàng, luôn hướng tới sự trung thực và minh bạch, hiệu quả và năng suất cao. Thông tin thường xuyên được trao đổi hai chiều, nhằm không ngừng cải tiến và phát triển bền vững. VietED trọng tâm vào các chỉ tiêu văn hóa chính: Thân thiện, Minh bạch, Sáng tạo, Hiệu quả.
4. Lĩnh vực hoạt động
Với địa bàn hoạt động toàn quốc, Quỹ VietED trọng tâm hoạt động hỗ trợ phát triển kinh tế hộ gia đình Việt Nam, thông qua việc nghiên cứu, thử nghiệm, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ, các kinh nghiệm, mô hình sản xuất hiệu quả nhằm phát huy vai trò quan trọng của kinh tế hộ gia đình trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế:
· Vận động tài trợ, tìm kiếm các nguồn đầu tư, kết nối nguồn tài chính đến với các hộ gia đình thu nhập thấp và doanh nghiệp vi mô thông qua hoạt động tài chính vi mô.
· Thực nghiệm, đánh giá và nhân rộng các mô hình mang tính bền vững trong lĩnh vực kinh tế vi mô và phát triển nông nghiệp như tạo sinh kế mới, phát triển kỹ năng kinh doanh, hỗ trợ tài chính, kết nối sản phẩm, xây dựng thương hiệu sản phẩm nông sản.
· Tập huấn nâng năng lực, cung cấp tài liệu trong lĩnh vực tài chính vi mô, dịch vụ phát triển kinh doanh, chuyển giao khoa học kỹ thuật nông lâm và ngư nghiệp nhằm giúp sử dụng vốn vay hiệu quả, phát triển sản xuất kinh doanh.
Quỹ VietED được tổ chức một cách khoa học và tuân theo quy định của pháp luật đảm bảo hiệu quả trong hoạt động quản lý bao gồm: Hội đồng sáng lập Quỹ (05 người); Hội đồng quản lý Quỹ (05 người); Ban điều hành (04 người: Chủ tịch, Giám đốc, Nhân sự Đào tạo, Kế toán trưởng); Ban kiểm soát (02 người); Chi nhánh Nghệ An (04 người), Chi nhánh Bắc Giang (04 người).